Nhập cung Hán Thượng_Quan_hoàng_hậu_(Hán_Chiêu_Đế)

Lập làm Hoàng hậu

Khi Hán Vũ đế đang hấp hối (87 TCN), ông đã giao cho Thượng Quan Kiệt và Hoắc Quang cùng làm phụ chính cho Thái tử nối ngôi là Hán Chiêu Đế Lưu Phất Lăng, khi ấy mới 8 tuổi[2]. Bấy giờ, Chiêu Đế còn quá nhỏ, các đại thần đồng ý tôn Ngạc Ấp công chúa (鄂邑公主), chị gái của Chiêu Đế, làm người phụ giúp và chăm sóc Chiêu Đế trong cung, giúp Chiêu Đế quyết định chính sự, đồng thời được tôn làm Trưởng công chúa. Trong sự việc này, 2 cha con Thượng Quan có mật thiết rất lớn, nên được Trưởng công chúa tin cậy[3].

Năm Thủy Nguyên thứ 4 (83 TCN), cha bà là Thượng Quan An muốn dựa vào thế lực của Hoắc Quang để đưa bà vào cung làm vợ Hán Chiêu Đế nhưng bị Hoắc Quang phản đối[4]. Cha bà sau đó lại nhờ Trưởng công chúa để Thượng Quan thị được vào cung thành hôn với Chiêu Đế. Gặp có người họ Đinh là tâm phúc của Trưởng công chúa, Thượng Quan An nói rằng:"Nghe nói Trưởng chúa có tính toán tuyển lập Hoàng hậu. Ta có một cô con gái, dung mạo đoan chính thanh nhã, được Trưởng chúa yêu mến. Việc này thành hay không thành, đều nhờ vào các hạ". Người họ Đinh đó bẩm lên Trưởng công chúa, quả nhiên sau đó Thượng quan thị có chỉ được nhập cung trở thành Tiệp dư. Sang tháng sau, được lập làm Hoàng hậu. Năm đó, bà mới 6 tuổi và Hán Chiêu Đế cũng mới 12 tuổi, đây là Hoàng hậu nhỏ tuổi nhất trong toàn bộ lịch sử Trung Quốc[5][6][7][8]. Cha bà Thượng Quan An do là quốc trượng, được thụ phong Tang Nhạc hầu (桑樂侯), phong ấp 1500 hộ, thăng làm Xa Kỵ tướng quân (车骑将军), càng ngày càng ngang ngược kiêu ngạo.

Năm Nguyên Phụng nguyên niên 80 TCN, Thượng Quan An và Thượng Quan Kiệt có tư thù với Hoắc Quang nên lập mưu tạo phản, nhưng bị thất bại, sử gọi đó là Chính biến Nguyên Phụng. Nguyên là sau khi lập được Thượng Quan thị làm Hoàng hậu, Thượng Quan An muốn trả công cho họ Đinh, xin Hoắc Quang phong tước nhưng bị cự tuyệt. Việc này khiến họ Thượng Quan mất mặt, hơn nữa họ Đinh kia là tình nhân của Trưởng công chúa, cũng khiến Công chúa sinh oán hận Hoắc Quang, vì vậy họ mưu lật đổ Hán Chiêu Đế, lập người anh Chiêu Đế là Yên vương Lưu Đán lên ngôi. Hán Chiêu Đế lúc này đã trưởng thành, cùng Hoắc Quang âm thầm đề phòng nhà Thượng Quang và chuẩn bị lực lượng phản kháng. Sự việc bị phất giác, Ngạc Ấp công chúa và Lưu Đán bị Hán Chiêu Đế ép tự sát, cả nhà Thượng Quan bị giết cả họ[9].

Về phần Thượng Quan thị, do vẫn còn nhỏ lại là cháu ngoại Hoắc Quang nên vẫn vô sự và tiếp tục được làm Hoàng hậu. Lúc này tuy nhà nội đã bị tận diệt, nhưng tính cách ổn trọng của Thượng Quan hoàng hậu khiến Hoắc Quang yêu thích. Hoắc Quang cũng từ đó muốn cháu ngoại sinh ra Hoàng tử, với quyền hành lớn của mình, ông ngầm lệnh các Ngự y tấu thỉnh, xin Hán Chiêu Đế xa rời nữ sắc, nên trừ Thượng Quan hoàng hậu thì không có cung nhân nào khác gần gũi Hoàng đế, Thượng Quan hoàng hậu cũng từ đó chuyên sủng. Nhưng dẫu vậy, Thượng Quan hoàng hậu vẫn không hề có con[10].

Phế truất Lưu Hạ

Năm Nguyên Bình nguyên niên (74 TCN), ngày 17 tháng 4, Hán Chiêu Đế băng hà ở Vị Ương cung, lúc đó chỉ mới 20 tuổi[11].

Do Chiêu Đế không có con, Hoắc Quang đề nghị chọn người trong tông thất vào cung làm hậu tự cho Chiếu Đế, kế thừa Đế vị. Và Hoắc Quang xin lập Xương Ấp vương Lưu Hạ, con trai của Xương Ấp Ai vương Lưu Bác (劉髆) và là cháu nội của Hán Vũ Đế cùng Lý phu nhân lên làm Hoàng thái tử, sau đó tiến hành kế vị ngôi Hoàng đế của Hán Chiêu Đế[12][13][14]. Tháng 6, Lưu Hạ nhận Hoàng đế tỉ thụ, tấn tôn Hoàng hậu Thượng Quan thị làm Hoàng thái hậu khi mới 15 tuổi, là Hoàng thái hậu trẻ tuổi nhất trong lịch sử[15].

Thế nhưng, Lưu Hạ lại là người không đứng đắn. Khi dùng thân phận Hoàng thái tử tùy hành các quan viên đến Trường An tế bái Hán Chiêu Đế, Lưu Hạ lén mua gà, mua vịt ăn và thăm thú các trò chơi bời khác, đặc biệt là ông cùng cung nhân của Hán Chiêu Đế thông dâm, bãi hại đức độ[16]. Sau 27 ngày giữ Hoàng đế tỉ thụ, mặc cho Hoắc Quang cùng quần thần khuyên can, Lưu Hạ vẫn không hề bỏ đi thói xấu, mà ngày càng hổ đốn hơn. Không thể để Đế vị cho một người như vậy, Hoắc Quan đến Vị Ương cung xin Thượng Quan Thái hậu phế truất Lưu Hạ. Hoàng thái hậu chấp nhận[17]. Khi đó, Hoàng thái hậu mặc một y phục hoa lệ đoan nhã, ngồi giữa mành trướng, có bày biện võ sĩ mang binh khí, triệu Lưu Hạ đến trước mặt quỳ xuống. Thượng thư lệnh tuyên đọc sớ tấu của Hoắc Quang, hạch tội trạng của Lưu Hạ, Hoàng thái hậu theo đó ra chỉ phế truất Lưu Hạ[18][19][20].

Tháng 7 năm đó, Hoắc Quang dâng sớ tấu xin Thượng Quan Thái hậu lập Đích hoàng tằng tôn (cháu chắt trưởng) của Hán Vũ Đế, cháu nội Lệ Thái tử Lưu Cứ là Lưu Bệnh Dĩ lên kế vị. Hoàng thái hậu có vẻ đồng ý lời tấu của Hoắc Quang, bèn dùng Tông chính phái sứ giả đón Tằng tôn nhập cung, trai giới để tiến hành tiếp nhận Đế vị[21]. Ngày Canh Thân, Tằng tôn Lưu Bệnh Dĩ vào Vị Ương cung triều kiến Hoàng thái hậu, được phong làm Dương Vũ hầu (阳武侯). Trong ngày đó, triều thần đến trước mặt Lưu Bệnh Dĩ dâng Hoàng đế tỉ thụ, Dương Vũ hầu Lưu Bệnh Dĩ lên ngôi, tức Hán Tuyên Đế[22][23].

Tấu xin lập Tuyên Đế năm ấy có nội dung như sau, nhấn mạnh rõ Tuyên Đế là vào cung làm thừa tự cho Chiêu Đế:

禮,人道親親故尊祖,尊祖故敬宗。大宗毋嗣,擇支子孫賢者為嗣。孝武皇帝曾孫 病已,有詔掖庭養視,至今年十八,師受詩、論語、孝經,操行節儉,慈仁愛人,可以嗣孝昭皇帝後,奉承祖宗,子萬姓。

.

Lễ viết, nhân đạo thân thân cố tôn tổ, tôn tổ cố kính tông. Nay chi đại tông vô tự, nên chọn lấy người hiền trong họ làm thừa tự. Tằng tôn của Hiếu Vũ Hoàng đế là Bệnh Dĩ, từng được nuôi trong Dịch đình, nay 18 tuổi, học thông Kinh Thi, Luận ngữ và Hiếu kinh, lại thao hành tiết kiệm, từ nhân ái nhân, rất có thể thừa tự làm hậu duệ của Hiếu Chiêu Hoàng đế, phụng thừa tổ tông, tử vạn tính.

— Tấu của Hoắc Quang xin lập Lưu Bệnh Dĩ thừa tự Hiếu Chiêu Hoàng đế, kế thừa đại thống

Sự nhấn mạnh vấn đề ["Thừa tự"] của Hán Tuyên Đế rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tôn xưng của Thượng Quan thị trong hoàng thất. Theo đó, Hoàng thái hậu Thượng Quan thị vẫn được giữ vị trí Hoàng thái hậu tôn quý, mặc dù bà còn nhỏ tuổi hơn cả Hán Tuyên Đế[24], đây là vì Hán Tuyên Đế vào cung nhận mệnh làm con của Hán Chiêu Đế cùng Thượng Quan Thái hậu để kế vị[25]. Tháng 9 năm ấy, lập Hứa Bình Quân làm Hoàng hậu, Hoàng thái hậu Thượng Quan thị chuyển từ Vị Ương cung sang Trường Lạc cung (長樂宮)[26].